Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 19:47 (GMT +7)
Bài 3: Quyết tâm tái tạo nguồn lợi thuỷ sản
Thứ 4, 16/08/2017 | 08:21:12 [GMT +7] A A
Để tái tạo nguồn lợi thuỷ sản, nhiều địa phương trong cả nước đã triển khai quy hoạch vùng biển cấm khai thác có thời hạn, khu bảo tồn biển... Đây cũng là một trong những giải pháp hiện đang được Quảng Ninh chú trọng triển khai.
Các giải pháp tổng thể
Theo ông Tô Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn, nhìn từ đặc thù khai thác thuỷ sản của tỉnh vốn chủ yếu là khai thác ven bờ, điều kiện của ngư dân để vươn khơi chưa nhiều, cơ quan quản lý thiếu và yếu về nhân, vật lực, mà vùng biển thì lại rộng, nhiều vũng, vịnh, đảo để ẩn giấu vi phạm nên giải pháp quan trọng và đầu tiên phải là công tác tuyên truyền. Bằng nhiều kênh thông tin, tuyên truyền, tác động đến ngư dân, khiến ngư dân nâng cao nhận thức, tự chuyển đổi phương thức khai thác thân thiện với môi trường hoặc chuyển đổi nghề.
Cán bộ Ban Quản lý Vườn quốc gia Bái Tử Long gặp gỡ các ngư dân để tuyên truyền, kiểm tra việc thực hiện phương án chia sẻ lợi ích nguồn lợi thuỷ sản. |
Đồng tình với nhận định này, ông Vũ Ngọc Hùng, Trưởng Phòng Kinh tế TX Quảng Yên, cho biết: Thực tế trong điều kiện nguồn lợi thuỷ sản ngày càng khan hiếm, sự cạnh tranh giữa các tàu khai thác lớn, việc khai thác ven bờ với những ngư cụ đơn giản thực sự không mang lại nguồn thu nhập lớn cho ngư dân. Tuy nhiên, do không có nghề trong tay, nên điều kiện kinh tế khó khăn, thậm chí biết khai thác huỷ diệt là bị pháp luật cấm, nhưng vì mưu sinh, miếng cơm, manh áo nên ngư dân vẫn cứ làm. Trong trường hợp trên thì chỉ trừ khi ngư dân tự chuyển đổi nhận thức, khai thác có trách nhiệm, nâng cấp tàu thuyền hoặc chuyển đổi nghề để có cuộc sống ổn định hơn thì mới giảm được áp lực lên biển. Muốn vậy, tỉnh và các địa phương ngoài tăng cường hơn nữa việc tiếp cận, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho ngư dân còn phải có những chính sách phù hợp, thuận lợi để ngư dân chuyển đổi nghề, nâng cấp phương tiện, điều mà trong thời gian qua chúng ta chưa triển khai tốt.
Bên cạnh đó, các ngành chức năng, đặc biệt là địa phương cấp huyện cần thiết triển khai các giải pháp tổng thể như tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm. Các địa phương siết chặt quản lý đối với các cơ sở đóng mới, sửa chữa, cải hoán tàu cá; kiên quyết không cho đóng mới tàu cá có công suất dưới 30CV, tàu làm nghề lưới kéo; bổ sung cán bộ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ phụ trách về lĩnh vực thuỷ sản. Các ngành chức năng tỉnh hàng năm vận động bổ sung giống thuỷ sản vào vùng nước tự nhiên; ứng dụng những tiến bộ khoa học trong việc phục hồi các hệ sinh thái thuỷ sinh...
Riêng đối với cấp tỉnh, từ thực trạng thời gian qua cho thấy cần quan tâm trang bị phương tiện, bổ sung nhân lực, kinh phí hoạt động cho các lực lượng chuyên môn về tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trong khai thác thuỷ sản. Tỉnh cũng nên có chính sách hỗ trợ đối với nhóm đối tượng ngư dân tự giải bản tàu cá công suất dưới 20CV, đóng mới tàu cá công suất từ 50CV đến dưới 90CV.
Cần xây dựng các khu bảo tồn biển
Những năm gần đây, nhằm quyết liệt bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai các vùng biển cấm khai thác có thời hạn; cấm bổ sung một số nghề khai thác.
Cụ thể, từ năm 2011, tỉnh đã cấm khai thác có thời hạn đối khu vực Hòn Miều (huyện Hải Hà) với thời gian cấm từ ngày 15-4 đến 31-7 và quần đảo Cô Tô với thời gian cấm từ ngày 15-2 đến 15-6; năm 2011 đã thực hiện cấm khai thác thuỷ sản trong vùng lõi Vịnh Hạ Long; cấm khai thác sá sùng trên toàn tỉnh từ ngày 1-6 đến 31-7 hàng năm. Ngoài danh mục các nghề khai thác thuỷ sản cấm của Bộ NN&PTNT, tỉnh còn cấm bổ sung một số nghề khác như đăng, đáy, sử dụng lưới mắt nhỏ để khai thác. Mặc dù đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh vẫn chưa có đánh giá đa dạng sinh học nào được thực hiện, song theo ngư dân và chính quyền địa phương ở đây, nguồn lợi thuỷ sản khu vực Hòn Miều, quần đảo Cô Tô và Vịnh Hạ Long hiện nay rất phong phú, số lượng các loại thuỷ sản ở tuổi trưởng thành lớn, đặc biệt trữ lượng các loại thuỷ sản từng nằm trong danh sách cấm khai thác như tôm he, ghẹ chữ thập, sam, ba gai đuôi, sá sùng, mực lá đã tăng lên đáng kể.
Năm 2015, trước thực trạng nhiều loại nhuyễn thể đặc hữu, quý hiếm có nguy cơ bị cạn kiệt do khai thác quá mức, Ban Quản lý Vườn quốc gia Bái Tử Long cũng triển khai dự án chia sẻ lợi ích nguồn lợi thuỷ sản khu vực đất ngập nước thuộc đảo Ba Mùn với ngư dân. Nội dung của dự án buộc ngư dân khai thác có trách nhiệm, chỉ thu hoạch thuỷ sản đã trưởng thành, có thời hạn cấm khai thác trong mùa các loại thuỷ sản đặc hữu sinh sản hoặc còn non... Đến thời điểm này, mật độ các loài nhuyễn thể đảo Ba Mùn đã tăng 5-7 lần, đặc biệt một số loài nguy cấp, quý hiếm, có giá trị kinh tế cao từng bị cạn kiệt như bào ngư, hải sâm đen, cầu gai, ốc đụn... đã được hồi phục. Chị Lưu Thị Bích Khuyên, xã Đông Xá, huyện Vân Đồn, ngư dân tham gia dự án, cho biết: Tham gia dự án chúng tôi nhận thức sâu sắc hơn về trách nhiệm bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản của mình. Nếu như trước đây chúng tôi bắt cả ốc con để bán giống thì giờ chúng tôi chỉ chọn những con trưởng thành. Và cũng nhờ việc làm này nên nguồn lợi thuỷ sản nhiều hơn, thu nhập của chúng tôi cũng tăng hơn, bền vững hơn.
Từ thực tế trên cho thấy việc cấm, hạn chế khai thác có thời hạn ở những vùng biển nói trên đã và đang có hiệu quả, là giải pháp hữu hiệu, thiết thực để bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thuỷ sản. Phát huy theo hướng này, hiện Sở NN&PTNT đang phối hợp thực hiện quy hoạch, tiến tới thành lập khu bảo tồn biển Cô Tô - đảo Trần; Sở TN&MT cũng đang quy hoạch thành lập khu bảo tồn đất ngập nước Đồng Rui (huyện Tiên Yên). Theo giới chuyên môn, việc này là một bước tiến quan trọng trong việc bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, bởi 2 khu vực biển Cô Tô - đảo Trần và Đồng Rui đều là những vùng sinh thái biển quan trọng, nơi tập trung đa dạng sinh học biển của toàn tỉnh, trong đó vùng đất ngập nước Đồng Rui còn là hệ sinh thái rừng ngập mặn điển hình của khu vực phía Bắc Việt Nam.
Mới đây nhất, ngày 5-8, sau khi kiểm tra thực địa khu vực Vịnh Hạ Long, đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh đã yêu cầu tiếp tục dừng hoạt động khai thác thuỷ sản trong vùng lõi Vịnh Hạ Long với diện tích 434km2 và tiến tới có lộ trình chấm dứt hẳn hoạt động khai thác trên toàn vùng Vịnh Hạ Long với diện tích 1.535km2.
Việc làm trên đã thể hiện quyết tâm “tuyên chiến” với nạn khai thác thuỷ sản huỷ diệt, tuy nhiên, để đạt được kết quả như đúng mục tiêu đề ra, bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thuỷ sản bền vững cần phải có sự vào cuộc một cách quyết liệt nhất từ phía các đơn vị chức năng cấp tỉnh đến địa phương, sự chia sẻ, phối hợp của chính mỗi người ngư dân.
Việt Hoa
Tiếng nói người trong cuộc Ông Trương Công Ngàn, Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Tiên Yên: Từ năm 2008, khu vực rừng ngập mặn cửa sông Tiên Yên (bao gồm xã Đồng Rui và Hải Lạng) đã nằm trong quy hoạch khu bảo tồn vùng nước nội địa của Chính phủ. Đến năm 2012 được Tổng cục Thuỷ sản quy hoạch thành khu bảo tồn Tiên Yên - Hà Cối. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, đến thời điểm này các quy hoạch trên đều chưa hoàn thiện. Hiện nay, tỉnh đang giao cho Sở TN&MT triển khai dự án quy hoạch thành lập khu bảo tồn đất ngập nước Đồng Rui. Đây là tín hiệu vui trong việc quản lý, bảo vệ và tăng cường tái tạo nguồn lợi thuỷ sản, đa dạng sinh học tại đây. Bởi thực tế trong nhiều nghiên cứu đã khẳng định vùng đất ngập nước Đồng Rui rất đa dạng và phong phú về số lượng loài cây, về hệ sinh thái, nơi cư trú của các loài thuỷ sinh. Đây được coi là hệ sinh thái rừng ngập mặn điển hình của khu vực phía Bắc Việt Nam. Chính bởi vậy, dự án thành lập khu bảo tồn đất ngập nước Đồng Rui có ý nghĩa quan trọng và thiết thực. Huyện Tiên Yên rất mong muốn và tích cực phối hợp với các đơn vị chức năng để đẩy nhanh lộ trình triển khai dự án nhằm bảo vệ, khôi phục hệ sinh thái rừng ngập mặn, vận động người dân thay đổi tư duy khai thác, nuôi trồng thuỷ sản theo hướng dựa vào rừng, phát triển bền vững. Ông Vũ Đức Hưởng, Phó Chủ tịch UBND TX Quảng Yên: Thời gian qua, UBND tỉnh và ngành Nông nghiệp đã có những quy định cụ thể trong việc triển khai quy hoạch các vùng biển cấm khai thác, cấm khai thác có thời hạn và hiện đã cho kết quả tốt, đảm bảo được môi trường sinh sản cho các loại thuỷ hải sản, từ đó làm giàu nguồn lợi thuỷ sản. Tới đây, theo tinh thần chỉ đạo của tỉnh về việc tăng cường thêm các khu bảo tồn biển Cô Tô - đảo Trần, khu bảo tồn vùng ngập mặn cửa sông Đồng Rui (huyện Tiên Yên), tôi cho rằng việc này sẽ là tín hiệu đáng mừng hơn cho công tác bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thuỷ sản. Để việc này đạt kết quả, theo tôi trước tiên cần phải làm tốt công tác công khai quy hoạch, đặt bản quy hoạch tại những nơi người dân, đặc biệt là ngư dân dễ nắm bắt nhất. Bên cạnh đó, cũng cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, ký cam kết với ngư dân, giúp ngư dân nắm được quy định, xác định được ranh giới các vùng cấm để tự giác thực hiện. Ông Nguyễn Văn Công, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT: Như đã biết, đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh đã quy định các vùng biển cấm khai thác có thời hạn như khu vực Hòn Miều (huyện Hải Hà), quần đảo Cô Tô, vùng lõi Vịnh Hạ Long; cấm khai thác sá sùng trên toàn tỉnh. Hiện tỉnh cũng đang trong lộ trình bổ sung thêm khu bảo tồn biển Cô Tô - đảo Trần; khu bảo tồn đất ngập nước Đồng Rui (huyện Tiên Yên). Ngoài ra tỉnh cũng cấm thêm một số nghề khai thác huỷ diệt ngoài danh mục nghề cấm khai thác của Bộ NN&PTNT như nghề đăng, đáy, sử dụng lưới mắt nhỏ để khai thác. Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành chỉ thị về tăng cường công tác bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, ngăn chặn việc sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc hại và các nghề khai thác thuỷ sản bị cấm trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Như vậy, có thể nói về quy định đã rất cụ thể và ngày càng chặt chẽ, vấn đề đặt ra chỉ là công tác thực hiện như thế nào để được hiệu quả như mong đợi. Muốn đạt kết quả cao cần có sự vào cuộc của các cơ quan chuyên môn (ngành Nông nghiệp, Biên phòng, Công an...), các cấp chính quyền địa phương và sự đồng thuận của toàn thể nhân dân, đặc biệt ngư dân khai thác thuỷ sản. Thực tế trong thời gian qua, việc quản lý, bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thuỷ sản ở những vùng cấm này đã được triển khai, tuy nhiên chưa thực sự đồng bộ ở các ngành, thiếu sự quyết liệt ở các địa phương. Ngư dân Lê Văn Liên, xã Phong Hải, TX Quảng Yên: Tôi năm nay 70 tuổi, gắn bó với nghề biển ở Quảng Ninh này cũng ngót nửa thế kỷ. Đúng là trong quá trình khai thác trên các ngư trường Quảng Ninh, đặc biệt là vùng Vịnh Hạ Long những năm gần đây tôi thấy nguồn lợi thuỷ sản, các loại cá, tôm ngày càng ít. Một phần nguyên nhân của tình trạng này là ngư dân khai thác quá mức, có những nghề khai thác ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của sinh vật biển. Chính bởi vậy, tôi đồng ý với chủ trương cấm khai thác ở vùng lõi Vịnh Hạ Long, cấm khai thác có thời hạn đối với một số vùng biển khác và thành lập các khu bảo tồn biển. Tuy nhiên, tôi đề nghị việc này phải được các cấp, ngành, địa phương làm cương quyết, triệt để, đồng loạt, đồng bộ. Bởi thực tế nếu chỉ cấm đối với một bộ phận ngư dân hoặc vùng biển đâu đó mà những vị trí khác vẫn diễn ra khai thác huỷ diệt thì nguồn lợi thuỷ hải sản vẫn không được bảo vệ. Hơn nữa những ngư dân hành nghề khai thác chân chính không thể cạnh tranh được với các đối tượng ngư dân hành nghề cấm, sản lượng và giá trị khai thác thấp, dẫn đến đời sống đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Thanh Bình |
[links()]
Liên kết website
Ý kiến ()