Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 19:21 (GMT +7)
Không chỉ là cứu nghề biển!
Thứ 4, 16/08/2017 | 23:56:59 [GMT +7] A A
Năm 2015, cụ Nguyễn Ngọc Đàm, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh đã đến Báo Quảng Ninh trao đổi cách nào để gióng lên hồi chuông cảnh báo thật mạnh mẽ, quyết liệt trong bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản trên vùng biển tỉnh nhà, nhất là trong vùng nước Vịnh Hạ Long và Bái Tử Long.
Lo lắng trước sức tàn phá, sự tận diệt của con người khiến nhiều loài hải sản vốn là đặc hữu của vùng ngư trường Quảng Ninh - Hải Phòng đã dần biến mất trong gần 1 thập kỷ qua, thời điểm đó cụ Nguyễn Ngọc Đàm đã đề nghị phải cấm đánh bắt thuỷ sản trên vùng Vịnh Hạ Long để giữ nguồn lợi cho con cháu mai sau, để thế mạnh giàu từ biển, mạnh từ biển mới có thể phát triển được.
Ai cũng biết ngư trường Quảng Ninh - Hải Phòng là một trong 4 ngư trường khai thác trọng điểm của cả nước. Khu vực biển ở Hòn Mỹ, Hòn Miều (Hải Hà), các rạn san hô trên vùng biển Cô Tô, Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long còn được chính ngư dân mặc định khoanh vùng là nơi bảo tồn giống thuỷ sản để nơi các loài tôm, cua, cá tìm về khi vào mùa sinh sản.
Nhìn dưới góc độ kinh tế thì nguồn lợi hải sản phong phú đã mang lại đời sống no đủ cho người dân sinh sống ở khu vực ven biển bao nhiêu năm qua, những chuyến tàu nặng cá tôm giúp cho hàng vạn lao động của Quảng Yên, Hải Hà, Đầm Hà, Tiên Yên, Vân Đồn, Hoành Bồ... có được nguồn thu nhập khá ổn định và nghề biển - đã trở thành nghề cha truyền con nối ở nhiều địa phương. Còn dưới góc độ an ninh quốc phòng thì sự xuất hiện của những con tàu khai thác thuỷ sản có cờ đỏ sao vàng đã khẳng định chủ quyền vùng biển đảo của đất nước, khẳng định thế trận quốc phòng toàn dân.
Nguồn lợi hải sản ở Quảng Ninh phong phú đó là điều đã được khẳng định trong những chuyến ra biển của ngư dân trong tỉnh và hàng trăm tàu khai thác của ngư dân các tỉnh Nam Định, Thanh Hoá, Nghệ An, Hải Phòng đang hoạt động hàng ngày trên vùng biển Quảng Ninh. Tuy nhiên do tập trung quá đông của lực lượng khai thác, cộng với tâm lý “biển là của chung, mặc ai nấy phá” nên chỉ trong khoảng thời gian hơn một thập kỷ trở lại đây nguồn lợi thuỷ sản trên ngư trường Quảng Ninh - Hải Phòng đã bị khai thác bừa bãi, suy giảm nhanh chóng, đặc biệt nguồn lợi khu vực gần bờ đã cạn kiệt. Để đánh bắt được con tôm, con cá trong khu vực ven bờ ngư dân đã sử dụng đến các dụng cụ mang tính huỷ diệt như te, xiệc, kích điện, mìn, lồng bát quái, lưới mắt nhỏ...
Như hồi tưởng của cụ Nguyễn Ngọc Đàm thì vài chục năm trước dân Hạ Long đứng bên bờ sông Cửa Lục là thấy từng đàn cá heo bơi, nhảy trong màu nước xanh biếc của Vịnh Hạ Long, được ăn các loại cá, nhuyễn thể của vùng nước đặc hữu lặng sóng, độ mặn cao này. Nhưng nay những chú cá heo hiền lành, thân thiện đã không còn dám bơi đến vùng nước Vịnh Hạ Long, những loài như cá đé đã biến mất hoàn toàn, tôm, cá chưa “lọt lòng mẹ” cũng bị đánh bắt bằng được.
Nguồn lợi hải sản suy kiệt không chỉ làm khốn khó, lao đao đến nghề biển của ngư dân, đến đời sống, việc làm của hàng ngàn lao động dưới tàu và trên bờ, mà còn có tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến những ngành nghề khác, như du lịch, dịch vụ, đến an ninh trật tự xã hội, đến an ninh quốc phòng vùng biển đảo. Phải cứu nghề biển - thông điệp này đã được tỉnh Quảng Ninh chính thức phát đi từ việc ngay lập tức cấm khai thác thuỷ sản trên vùng Vịnh Hạ Long và dần dần là vùng Bái Tử Long. Đồng thời ra quân tổng lực trên toàn tỉnh xử lý tình trạng khai thác thuỷ sản mang tính huỷ diệt, sản xuất, kinh doanh, buôn bán các ngư lưới cụ trong danh mục cấm.
Song, cùng với các biện pháp mạnh trong xử lý vi phạm, tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng kế hoạch cụ thể trong bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản. Và để Quảng Ninh không lạc điệu trong công tác bảo vệ nguồn lợi của biển, cùng Quảng Ninh cứu nghề biển cần có sự thống nhất trong chỉ đạo từ các văn bản quy phạm pháp luật, sự cộng tác, hiệp đồng của các địa phương trong khu vực có ngư trường chung và có ngư dân tham gia khai thác thuỷ sản trên biển trong tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Ngọc Lan
Liên kết website
Ý kiến ()