Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 09:31 (GMT +7)
Uông Bí: Đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số toàn diện
Thứ 4, 01/06/2022 | 09:03:31 [GMT +7] A A
Việc sớm xây dựng, ứng dụng các phần mềm cơ sở dữ liệu trong quản lý, điện tử hóa nhiều hoạt động chuyên môn đã giúp Uông Bí triển khai chuyển đổi số trên từng nội dung cụ thể. Đây là cơ sở để thành phố chuyển đổi số toàn diện, qua đó thúc đẩy phát triển KT-XH trên địa bàn.
Nền tảng từ các gói chuyển đổi số thành phần
Phối hợp thực hiện và tiếp nhận gói cơ sở dữ liệu đất đai (phần mềm iLIS) từ năm 2013, đưa vào ứng dụng năm 2015, TP Uông Bí đã phát huy hiệu quả phần mềm quản lý này, nâng cao hiệu quả quản lý đất đai trên địa bàn. Ông Vũ Hồng Minh, Phó Giám đốc Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất TP Uông Bí, cho biết: Phần mềm cơ sở dữ liệu đất đai iLIS hoạt động trên nền tảng mạng chuyên dùng WAN, cho phép chỉnh lý, đăng ký biến động đất đai, thực hiện các giao dịch đảm bảo về đất đai… trên môi trường điện tử, nhờ đó dễ dàng cập nhật, theo dõi biến động trên từng thửa đất.
Cùng với gói cơ sở dữ liệu đất đai, TP Uông Bí cũng xây dựng, ứng dụng hiệu quả nhiều phần mềm quản lý chuyên dụng khác như: Quản lý quy hoạch; số hóa hệ thống ISO theo tiêu chuẩn TCVN ISO 900:2015; quản lý CBCC, số hóa hồ sơ cán bộ; triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC)…
Hiện nay, Uông Bí có 242 TTHC, tương đương 89% TTHC thuộc thẩm quyền thành phố đã được cung cấp dịch vụ công mức độ 3, 4; 258 thủ tục triển khai dịch vụ công trực tuyến kết nối, tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia; 224 thủ tục tiếp nhận và trả kết quả thông qua dịch vụ bưu chính công ích. TP Uông Bí cũng sử dụng chữ ký số trong trả kết quả TTHC. Từ đầu năm 2022 đến nay, trên 5.400 kết quả sử dụng chữ ký số đã được đưa lên mạng.
Về kinh tế số, Phòng Kinh tế thành phố cập nhật 12/19 sản phẩm OCOP trên sàn thương mại điện tử, tiến tới đưa 100% sản phẩm lên sàn trong quý III/2022. Hiện Uông Bí đã triển khai ứng dụng hóa đơn điện tử không thu phí tiền mặt tại 100% trường học, Trung tâm Hành chính công thành phố và bộ phận một cửa điện tử cấp xã. Theo khảo sát mới nhất, 30% cơ sở kinh doanh khu vực trung tâm TP Uông Bí (thuộc 2 phường Thanh Sơn và Quang Trung) đã sử dụng mã QR code để thanh toán điện tử. Cùng với đó, TP Uông Bí đã thử nghiệm app Du lịch Uông Bí của VNPT để quảng bá du lịch trên địa bàn.
Để nâng cấp hạ tầng viễn thông, thúc đẩy chuyển đổi số, Uông Bí đã lắp mới trạm BTS tại xã Thượng Yên Công, nâng tổng số trạm BTS toàn thành phố là 233 trạm, trong đó 90% sử dụng công nghệ 4G. Nhờ đó vùng phủ sóng di động đạt 98%, cáp quang phủ rộng 100%. Trong tháng 5 vừa qua, TP Uông Bí đã kịp thời thành lập 110 tổ công nghệ số cộng đồng, trong đó 100 tổ thuộc 100 khu dân cư trên địa bàn, số còn lại là tổ công nghệ số của doanh nghiệp.
Tiến đến chuyển đổi số toàn diện
Tính đến thời điểm này, Uông Bí là địa phương nhiều năm liên tiếp đứng tốp đầu trong bảng xếp hạng cải cách hành chính, chính quyền điện tử của tỉnh. Riêng năm 2021, thành phố đứng thứ hai về cải cách hành chính toàn tỉnh. 10/10 xã, phường của Uông Bí nằm trong top 15 đơn vị đứng đầu về chính quyền điện tử trong tổng số 177 xã, phường, thị trấn toàn tỉnh.
Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên để đạt mục tiêu chuyển đổi số toàn diện TP Uông Bí còn nhiều việc cần làm. Theo Bí thư Thành ủy Uông Bí Nghiêm Xuân Cường, những nhiệm vụ cần tập trung thực hiện là nâng cao trình độ đội ngũ người làm CNTT, CBCCVC của thành phố. Khuyến khích doanh nghiệp tăng cường ứng dụng CNTT, số hóa trong hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng như các giao dịch với Nhà nước, nhất là đối với các giao dịch phí, thuế, nghĩa vụ tài chính. Hệ thống hóa các phần mềm điện tử, tích hợp lại và có kho cơ sở dữ liệu chung để mở rộng liên thông…
Thực tế hiện nay một số phần mềm quản lý TP Uông Bí đang ứng dụng vận hành trong phạm vi hẹp và cơ sở hạ tầng viễn thông đi kèm cũng chưa đảm bảo. Hạn chế này một phần xuất phát từ việc các địa phương phụ thuộc vào các nền tảng số xây dựng tập trung tại tỉnh, tuy nhiên hiện tỉnh chưa triển khai hoặc đã triển khai song chưa đưa vào sử dụng chính thức... Cùng với đó, nhận thức về chuyển đổi số trong cán bộ, nhân dân chưa cao, trong quá trình triển khai các nhiệm vụ liên quan vẫn có những lúng túng.
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, trong tháng 6, TP Uông Bí sẽ phối hợp đào tạo về chuyển đổi số cho cán bộ đứng đầu và nòng cốt để làm hạt nhân dẫn dắt, đồng thời thực hiện quy định 100% CBCCVC của thành phố sử dụng chữ kỹ số và xử lý công việc trên hệ thống chính quyền điện tử. Đây sẽ là bước chuyển để Uông Bí có thể tiến nhanh hơn đến mục tiêu chuyển đổi số toàn diện.
Việt Hoa
- Người dân bắt nhịp cùng hành trình chuyển đổi số
- Doanh nhân trẻ Quảng Ninh tích cực tham gia chuyển đổi số
- Chuyển đổi số-động lực phát triển du lịch bền vững
- Chuyển đổi số - Nền tảng để phát triển
- Chuyển đổi số - Xu hướng tất yếu để HTX phát triển bền vững
- Chuyển đổi số: Các đơn vị cùng vào cuộc
- TP Hạ Long: Hướng đến chuyển đổi số toàn diện
- Để nông dân thích ứng với chuyển đổi số
- Chuyển đổi số - Nỗ lực của các cấp, các ngành
- Thực hiện chuyển đổi số toàn diện: Lấy người dân là trung tâm
- Nông nghiệp Đông Triều: Nắm bắt cơ hội chuyển đổi số
- Chuyển đổi số - giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng
- Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Uông Bí: Nỗ lực chuyển đổi số
- Số hoá du lịch
- Mục tiêu hướng tới chuyển đổi số toàn diện
Liên kết website
Ý kiến ()